Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Ảnh một thời!

Sinh nhật con gái!

Chỉ còn ba hôm nữa là sinh nhật con. Bố còn nhớ cách đây bốn năm, Bố nhận nhiệm vụ , đi công tác phía nam, mọi công tác chuẩn bị đã chu đáo, chỉ còn chờ ngày lên đường. Bố bảo mẹ: Hay để anh đưa em đi khám cho yên tâm. Lúc đó con mới được 28 tuần tuổi. Mẹ đồng ý, vậy là bố đưa mẹ đi bệnh viện phụ sản HN để kiểm tra, khám xong. Bác sỹ bảo: tất cả đều bình thường. Con có biết không? Lúc bấy giờ  bố, mẹ sung sướng và hạnh phúc vô cùng. Vì trước đó mẹ đã từng đẻ non, nên chị con đã qua đời ngay từ lúc mới sinh ra và mẹ cũng đã nằm viện đến bốn tháng trời. Nên khi mẹ mang bầu con, ngày nào bố cũng đi chợ  mua một con cá chép khoảng ba, bốn lạng gì đó, còn tươi, mổ lấy mật ra để nguyên con nấu cháo với vỏ quýt, cho mẹ ăn. Đến nỗi nhìn thấy cháo cá chép là mẹ sợ. Nhưng bố vẫn động viên mẹ ăn. Như vậy là mẹ đã ăn tổng cộng khoảng 200 con cá chép, đây là một bài thuốc dân gian để dưỡng thai. Sáng hôm đó sau khi khám xong, bố, mẹ tung tẩy dạo phố rồi tạt qua nhà bác Hải ăn cơm. Chiều về đang chuẩn bị cơm tối thì mẹ con bảo: Anh ơi em lại bị rồi, đưa em đi viện đi. Ngay lập tức bố gọi taxi đưa mẹ con đi viện. Ra đó họ điều trị bằng tiêm nội tiết tố và thuốc giảm co thắt, được khoảng 10 ngày. Hôm đó bố đang ngủ ở nhà với anh con, thì nghe điện thoại của một người nằm cùng phòng với mẹ con gọi: Anh ơi! ra ngay, Quyên vỡ ối rồi. Bố hốt hoảng, rồi nhẹ nhàng để anh con ngủ, khoá cửa, lên xe, chạy như ma đuổi, ra đến viện khoảng 04h gì đó. Lên phòng điều trị thì họ bảo: Mẹ con xuống phòng đẻ, xuống đó chờ một lúc, thì có người mặc áo blu ra gọi: Ai là người nhà của sản phụ Quyên, bố đứng dậy đi vào. Họ bảo: Con gái, nặng 1, 6 kg. Bố gửi tiền bồi dưỡng cho kíp đỡ đẻ. Họ ái ngại bảo, chúng tôi không đòi hỏi. Nhưng gia đình tự nguyện thì chúng tôi xin. Rồi họ chỉ cho bố: Muốn nhìn  con thì đón ở tầng bốn, chỗ vào phòng lồng kính. Bố lên đó họ nói với bố rằng: Con anh. khó nuôi. Riêng bố, bố vẫn tin tưởng con sẽ vượt qua thời khắc khó khăn đầu đời. Chính vì vậy, bố mới đặt tên con là Vich. Ý nghĩa của cái tên này, lớn lên con sẽ hiểu.Chỉ biết rằng khoảng một thánh sau thì con ra viện và phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Bố tin con sẽ luôn luôn là người chiến thắng. Nhưng trước hết con phải chiến thắng chính bản thân mình, đó mới là điều quan trọng và đừng bao giờ quên ơn những người đã cho con cuộc sống.
          Đêm nay nhìn con ngủ say, trông như một thiên thần . Vậy là bố mãn nguyện lắm rồi.

Kỷ niệm ngày cưới,

   
    Đúng vào ngày này, cách đây 16 năm tôi chính thức làm chồng. Và bây giờ thì tôi còn là cha của hai đứa trẻ. Nói có vẻ nhẹ nhàng, nhưng với tôi lấy vợ và sinh con là một sự nổ lực hết mình, đầy gian truân và vất vả. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con. Nhà tôi nghèo nhất xã, xã tôi nghèo nhất huyện, huyện tôi nghèo nhất tỉnh, tỉnh tôi nghèo nhất miền trung..... Miền trung thì các bạn biết rồi, thôi không nói nữa, không thì nó não nề lắm. Đã vậy da tôi lại đen, đen như không thể đen hơn được nữa. Nhưng đen bóng, đen trơn còn được, đằng này tôi lại đen mốc, vì lang ben ăn cùng người. Do quanh năm đói, nên má tôi hóp, đít tóp, tóc rễ tre luôn dựng ngược như lông nhím. Tóm lại bây giờ tôi nhìn tôi ngày ấy qua ảnh, tôi cứ ngỡ là thằng đười ươi sổng chuồng.
     Mối tình đầu, tôi dành cho cô bạn cùng khoá, nhưng sau đó, vì tôi nghèo, lại xấu trai, mà cô ta bỏ tôi, để lấy một anh ở cục thuế trên huyện. Mối tình thứ hai chẳng hiểu vì sao người ta lại yêu tôi. Thú thực tôi không muốn bị tổn thương một lần nữa, nên tôi từ chối. Người thứ ba. yêu tôi, tôi tin cô ấy yêu chân thành. Cô ấy là giáo viên, quê ở vùng kinh bắc, theo đạo thiên chúa. Lúc bấy giờ tôi đã là đảng viên, sỹ quan quân đội. nên việc cưới nhau là cả một vấn đề. Tôi chủ động chia tay, để rồi nhận ở nàng những lời trách móc thậm tệ. Mình ngậm ngùi chấp nhận, bởi chữ nghèo luôn đi đôi với chữ hèn. Tôi sống thu mình ở vậy, đến tháng 10 năm 1992. Tôi đang điều trị ở quân y viện 354, tình cờ gặp mấy cô sinh viên thực tập. Thú thực tôi không còn hứng thú với chuyện yêu đương, nhưng cô trưởng đoàn bảo, anh thích em nào? Em làm mối cho. Lúc bây giờ, các cô mồm miệng như tép nhảy, chỉ có một cô tết tóc đuôi sam, lẳng lặng ngồi một góc. Tôi mới bảo, mỗi cô tết tóc đuôi sam, ngồi ở góc kia là anh thích. Vậy mà sau đó đúng một năm. vào ngày 19/12/1993, chúng tôi nên duyên chồng, vợ trong sự ngỡ ngàng của gia đình và bạn bè, với ba không, không việc làm, không nhà ở, không phương tiện, ở giữa thủ đô, không có một ai mà bấu víu, thật là kinh khủng.
     Trải qua 16 năm lăn lộn vất vả với cuộc sống, bây giờ chúng tôi đã có một gia đình, ổn định. Nhưng điều quan trọng nhất, là trong nhà chúng tôi luôn ấm áp và tràn ngập tiếng cười. Viết đến đây, mới thấy ngày xưa các cụ bảo " Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên trực diện bất tương phùng" thật là chí lý.  Cảm ơn những người đã sinh thành và giáo dưỡng chúng con, cảm ơn quê hương nghèo khó đã truyền cho chúng con nghị lực sống và biết vượt qua mọi thử thách, cảm ơn anh em, bè bạn đã giúp đỡ và chia sẻ với chúnh tôi trong những năm tháng qua.

Hội kén rể



Làng Đường Yên, quê vợ tôi, là một làng quê ngoại thành Hà Nội, nằm cạnh con sông Cà Lồ mang nhiều truyền tích. Một làng nhỏ thuộc xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, xưa kia có tên là Trang Kim Hoa, tên nôm là Kim con. Nằm về phía bắc, cách thành Cổ Loa khoảng 3km, kinh đô của nhà nước Âu Lạc hơn 2000 năm trước, Đường Yên có lịch sử tạo dựng và phát triển lâu đời. Theo dòng thời gian diện mạo của xóm làng ngày một đổi mới song dấu ấn của một thời kỳ lịch sử cổ đại về truyền thuyết đánh giặc ngoại xâm vẫn in đậm trong tâm khảm người dân nơi đây.
Trải qua biến thiên của lịch sử, người Đường Yên vẫn giữ được nét đẹp văn hoá tinh thần cha ông ngàn đời để lại. Đó là lễ hội “Kén rể” một sinh hoạt văn hoá độc đáo nằm trong vùng đậm đặc các lễ hội dân gian như hội “Kéo lửa nấu cơm thi” của làng Lương Quy, hội rước Vua đền Sái của làng Nhội, hội kết chạ Lỗ Khê – Hương Trầm, hội kéo rắn của Xuân Nộn…
Đình và chùa Đường Yên toạ lạc trên đất rộng đầu làng, một quần thể di tích đẹp có đầy đủ điều kiện để tổ chức lễ hội qui mô lớn như lễ hội “Kén rể”. Theo truyền thuyết dân gian và thần phả của đình thì làng Đường Yên thờ bà Lê Hoa một danh tướng của Hai Bà Trưng và là người có công chữa bệnh cho dân làng Đường Yên được dân làng tôn vinh thờ phụng. Chuyện kể rằng khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc Đông Hán (năm 40-43) thì ở làng Đường Yên có bà Lê Hoa (còn gọi là Ả Lự) tuổi 17-18 vẫn chưa lấy chồng, tình nguyện đi theo Hai Bà Trưng. Bà chiêu mộ quân sĩ ở các nơi và về Đường Yên làm lễ khao quân vào ngày 25 tháng chạp. Sau khi Hai Bà Trưng thắng trận lên ngôi vua, hai bà phong tước cho bà Lê Hoa là “Nữ sử anh phong”, “Tuệ tĩnh phu nhân”. Thời Lê Thái Tổ gia phong “Giản uyển cương nghị”, thời Nguyễn Duy Tân tặng phong “Dực bảo trung hưng linh phù”
Khi đất nước thanh bình bà Lê Hoa vinh qui bái tổ về làng Đường Yên thì “kiếm gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa”. Vì là nữ tướng nên khi nước nhà không còn khói lửa đao binh thì phải làm tròn bổn phận của người con gái là đi lấy chồng. Và lễ hội “kén rể” ra đời từ đó.
Đình làng Đường Yên được dân làng phụng thờ rất thành kính, trang nghiêm. Nghi lễ quan trọng nhất trong năm là ngày 2/2 âm lịch, dân làng tổ chức mừng ngày sinh của đức thánh bà. Hội làng Đường Yên xưa được tổ chức từ ngày mồng 1 đến 5/2 âm lịch. Ngày mồng 1 mở cửa đình và chuẩn bị mọi nghi lễ cần thiết cho ngày hội. Trước đây còn ngôi đền ở đầu làng là nơi thờ thánh, ngày lễ hội sáng sớm mồng 2/2 dân làng tổ chức rước kiệu bát cống, trên kiệu có “mũ thánh” về đình để dự hội làng. Theo các cụ cao niên thì ở giữa làng có con đường gọi là “đường cái nghênh” từ đền về đình để rước kiệu thánh (lệ làng bắt vạ nếu ai làm hỏng đường hoặc phá đường cái nghênh). Khi kiệu mũ được rước ra đến đình thì các quan viên rước mũ vào hậu cung đình tế lễ và ngự ở đó cho đến 5/2 lại rước kiệu “mũ thánh” về đền thờ. Còn ngày nay lễ hội chỉ tổ chức trong một ngày đó là ngày 2/2 âm lịch.
Xung quanh việc phụng thờ thành hoàng làng, lễ hội của Đường Yên rất đặc sắc, ngoài việc tế lễ mang nghi lễ truyền thống của làng cổ Việt Nam còn có những trò chơi dân gian như “Canh nông, chõng chó, bắt chạch trong chum, thi cày cấy…”, mà ít nơi còn giữ được.
Hội “kén rể” làng Đường Yên được phục hồi sau nhiều năm gián đoạn, bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương đặc biệt là các cụ cao niên và nhân dân thôn Đường Yên, một lễ hội dân gian ở một vùng văn hoá bắt đầu khởi sắc.

Kể từ ngàn xưa ông cha ta đã lấy việc nông phu làm trọng coi hạt thóc là hạt vàng, nhất thì nhì thục cho nên đã mở hội thi cày thi cấy, kiếm cá vá chài, câu ếch bắt trạch là thú chơi dân gian đồng thời cũng là để dậy con cháu ngàn đời siêng năng lao động. Hội thi canh nông bao gồm thi cầy, thi câu ếch, thi chõng chó, thi bắt trạch trong chum. Hai chàng rể chuẩn bị thi từng môn và từng môn ban giám khảo sẽ chấm cho điểm bằng thẻ. Kết thúc mỗi cuộc thi ban giám khảo tuyên bố ai giành phần thắng sau đó cộng điểm thẻ chọn người chiến thắng.Lễ hội kén rể làng Đường Yên là dịp ôn lại truyền thống lịch sử, cố kết cộng đồng giúp cho thế hệ trẻ rèn luyện được sức khoẻ, yêu lao động và từ đây nó khơi nguồn chảy cho đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, cũng chính là gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Lễ hội đã góp phần đáng kể cho kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam. Đường Yên đã và đang đổi mới việc phục hồi lễ hội kén rể sẽ thổi luồng sinh khí mới vào tâm tư tình cảm, làm trỗi dậy tình yêu và trách nhiệm của mỗi người dân đối với quê hương Đường Yên.

Sinh nhật lần thứ 14 của con trai.


  Ngày hôm nay, con tròn 14 tuổi. Cái tuổi chơi vơi giữa người lớn và trẻ con. Lúc con đứng soi gương đó là con sắp thành người lớn. Lúc con chạnh choẹ với em con đó là con đang là trẻ con.
   Bố phải khẳng định với con rằng, bố cũng như mẹ, luôn luôn yêu con. Nhưng cách nghĩ và cách cư xử của bố thì hoàn toàn khác mẹ. Bố nghiêm khắc và lạnh lùng hơn, bởi bố muốn con phải là người đàn ông thực thụ. Với bố người đàn ông thực thụ đó là: Con phải mạnh mẽ, quyết đoán, chủ động và sáng tạo. Chứ bố không cần con phải suốt ngày ngồi vào bàn học, rồi cứ ru rú ở trong nhà, gọi dạ, bảo vâng, chỉ đâu làm đấy. Thực ra mọi người và kể cả bố cũng phải thừa nhận, con rất ngoan và chăm. Nhưng chừng đó chưa đủ. Bởi từ khi sinh ra con, bố luôn đặt nhiều kỳ vọng vào con. Bố mong muốn con sẻ khoả lấp những khiếm khuyết của bố trước đây. Nhưng thực ra, bố cũng sai lầm nốt. Các cụ đã bảo rằng " Cha mẹ sinh con, trời đất sinh tính". Vậy nên cái tố chất ngoan và hiền trong con người con đã có sẵn, làm sao mà thay đổi được. Chỉ có điều con phải tự đặt ra cho mình một mục tiêu, một ước mơ. Từ đó con nổ lực phấn đấu thì thành công nhất định sẽ đến với con.  Nay con đã lớn, con phải tự lái con tàu tương lai của mình tiến về phía trước. bố mẹ chỉ cung cấp nhiên liệu, chứ bố mẹ không lái hộ và chạy hộ. Thành công hay thất bại và có đến được bến bờ vinh quang hay không là do con quyết định. Con có hiểu không?
      Sinh nhật lần thứ 14, bố có đôi lời tâm sự với con như vậy. Rất mong con hãy sớm sửa chữa những khiếm khuyết mà hàng ngày bố đã chỉ ra cho con. Bố không muốn nói nhiều nữa, sợ làm hỏng mất ngày vui của con. Chúc con hãy là một người đàn ông thực thụ như bố mong muốn, chủ động, sáng tạo, mạnh mẽ và quyết đoán.
Chúc con vui vẻ trong ngày sinh nhật lần thứ 14 của mình!

Thư gửi anh!

Anh!
Bấy lâu nay em đã im lặng, nhưng em càng im lặng thì anh càng cao ngạo, nói nhiều. Anh tự cho mình là sáng suốt, tài giỏi và duy nhất đúng. Chính vì vậy mà  lúc này đây,  em nghĩ mình cần phải lên tiếng.
Anh có còn nhớ không? Ngày ấy, chính vì nghe những lời đường mật của anh, mà em bất chấp mọi lời khuyên can của gia đình và bạn bè để đến với anh. Thú thực lúc bấy giờ, em đã bị mê hoặc bởi những viễn cảnh tương lai mà anh đã vẽ ra trước mắt em. Nào là nếu lấy anh, ở trong gia đình mình, phụ nữ sẽ được tôn trọng, bình đẳng như nam giới. Trong gia đình , lao động là tự giác, con cái được học hành và chữa bệnh bởi những dịch vụ y tế tốt nhất. Sẽ không có sự bất công hiển diện trong ngôi nhà của chúng ta. Mà ở đó mọi người đều được tôn trọng. Một gia đình luôn đảm bảo sự công bằng, dân chủ và văn minh. Thế hệ mai sau, con cháu chúng ta sẽ, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. vv và vv.
Vậy mà bây giờ nhìn lại, thử hỏi anh đã làm được những gì cho ngôi nhà này? Đành rằng bây giờ, đời sống gia đình mình có cải thiện hơn so với trước đây là đã có điện thoại để gọi, có xe máy để đi, có internet để viết blog. Nhưng xin thưa với anh, đó một phần là nhờ vào thành tựu khoa học của nhân loại, một phần là nhờ vào tiền chặt cây, bán đất, một phần nữa là nhờ vào tiền của các con gái lấy chồng Hàn Quốc, Đài loan( Có khác gì tiền bán con của chị Dậu), chứ đâu phải nhờ vào sự sáng suốt của anh?. Vả lại thiên hạ người ta cũng có từ lâu rồi. Cả làng này chỉ còn chú Tiên và chú Ba bạn của anh là chưa có thôi. Mà còn cái anh Quốc, suốt ngày nhăm nhe lấn đất, lấn ao nhà mình có tốt đẹp gì đâu mà anh cứ qua bên đó chén chú chén anh, thật chẳng ra làm sao cả. Thú thật cả em và các con đều ghét cay ghét đắng cái lão ấy. Nhưng điều mà em đau đớn nhất là những đứa con của chúng ta. Cứ mỗi lần nhắc đến chúng là nước mắt em lại chực trào ra. Hai đứa lớn, đứa thì lấy chồng Hàn, đứa thì lấy chồng Đài mà cho đến tận ngày cưới chúng nó vẫn không hề biết mặt chồng, cũng không hề biết chồng chúng nó già đến thế, nhất là con Hai lại còn lấy phải ông tàn tật nữa chứ. Còn đứa thứ ba thì sang Thái để đẻ thuê cho những người hiếm muộn bên xứ người. Xong hợp đồng rồi mà nó không nỡ rời bỏ đứa con còn đỏ hỏn nên cứ lang thang nơi đất khách như một đứa mất hồn. Còn con trai thì cũng chẳng khá hơn tẹo nào. Được đứa lớn suốt ngày luồn cúi, ton hót, tâng bốc anh thì anh cho nó đủ thứ nào là đất, nào là xe, nó suốt ngày ăn chơi phè phỡn. Chị em trong nhà không đứa nào ưa nó cả anh biết không? Đứa thứ hai thì hiện đang ở trong trại cai nghiện, đứa thứ ba thì ốm quặt ốm quẹo mà anh chẳng thèm ngó ngàng đến xem con ốm đau thuốc men ra sao. Một gia đình như vậy mà anh cứ quần là áo lượt, đi hết nhà này, sang nhà khác khoe mẽ, tự hào, vỗ ngực rằng nhà mình là gia đình phồn thịnh, nề nếp và đáng  tự hào nhất làng. Thời gian dành cho việc kiếm kế sinh nhai thì anh chỉ dành cho việc PR cái mẽ của gia đình. Cái vườn nhà mình trước kia vốn dĩ đẹp là thế mà anh chẳng thèm chăm sóc, bây giờ hoang tàn như bãi chiến trường. Cái ao để thả cá mà ăn anh cũng định bán nốt cho bọn buôn BĐS để chúng lấp ao xây nhà. Anh chỉ lo xây căn nhà thật to để khoe mẽ mà không để ý đến môi trường xung quanh. Căn nhà không ao, không vườn có khác gì cái hộp bê tông, hay nói đúng hơn nó là ngôi nhà chết.
Anh! người chủ của gia đình.
Có bao giờ anh vắt tay lên trán mà suy nghĩ xem mình tự hào vì điều gì không? Điều đó có đáng  tự hào không? Mỗi lần mở miệng ra khoe mẽ anh có cảm thấy xấu hổ không? Nếu trong anh còn một chút liêm sỉ, hay ít ra là trách nhiệm của người chồng, người cha thì anh hãy trung thực với chính mình, tự kiểm điểm lại bản thân đi. Hãy khiêm tốn học hỏi và mạnh dạn thay đổi. Vâng, chỉ có thay đổi thì mới hy vọng làm cho ngôi nhà của chúng ta  thực sự đáng tự hào, mở mày mở mặt với thiên hạ. Thà muộn còn hơn không anh ạ! Nếu anh thay đổi em nguyện sẽ kề vai sát cánh cùng anh để củng cố, xây dựng ngôi nhà mình đúng như ngôi nhà mơ ước của hai đứa ngày mới cưới, một ngôi nhà thực sự dân chủ, bình đẳng và minh bạch. Lúc đó em sẽ ngẩng cao đầu tự hào về gia đình của mình, sẽ tự tin sánh vai cùng những gia đình khác trong làng, trong xã, thậm chí là  trong huyện, trong tỉnh.
Một điều quan trọng nữa là chỉ có sự thay đổi của anh mới có thể cứu vớt được niềm tin, tình yêu, sự kính trọng của em và các con dành cho anh mà thôi.  Rất mong anh tỉnh ngộ!
Em
Âu Cơ!

Tản mạn nhân ngày PN Việt Nam

    Sự sống của mỗi chúng ta, bắt đầu từ trong bụng mẹ. Và thông thường, sau khi sinh, sáu tháng đầu đứa trẻ hoàn toàn bú sữa mẹ . Bản năng thích bú ti được duy trì kể từ đó cho đến khi ta từ giã cõi đời này
. Nói tóm lại, không có phụ nữ, thì không có sự sống của con người. Không có phụ nữ, thì cuộc sống của những người đàn ông trở nên vô nghĩa và nhàm chán.
        Từ thuở hồng hoang, đàn ông thì săn bắt, đàn bà thì hái lượm. Người phụ nữ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Họ phân chia sản vật, sinh đẻ con cái. Sau này khi có sự tranh chấp về lãnh thổ và phân chia quyền lợi, chiến tranh xảy ra lúc đó người đàn ông mới thể hiện sức mạnh của mình và từ đó, họ mới có vị trí trong xã hội như ngày nay. Với người Việt cổ,cuộc sống luôn gắn liền với nền văn minh lúa nước. nên đã có một thời gian dài trong lịch sử. Chúng ta đã thực hiện chế độ mẫu hệ. Vì cứ liệu lịch sử không còn, nên không ai giám khẳng định điều này. Tuy nhiên, theo  suy luận qua cách gọi và đặt tên của người xưa. Ta có thể thấy, vai trò của phụ nữ thời đó có một vị trí hết sức đặc biệt trong xã hội. Ví như con sông lớn nhất thời bấy giờ được đặt tên là sông Cái (chính là sông Hồng). Hay như cái cột quan trọng nhất trong ngôi nhà cũng được gọi là cột cái, con đường nối các địa phương với nhau cũng gọi là đường cái. Ngón tay quan trọng nhất trong bàn tay cũng gọi là ngón cái, rồi cái đũa lớn nhất dùng để xới cơm cũng gọi là đũa cái...vv. Tuyệt nhiên không ai gọi là đường đực, sông đực, cột đực, ngón đực, đũa đực bao giờ cả.
Thế mới biết các cụ nhà ta ngày trước, rất trân trọng giống cái và giống cái có một vị trí trang trọng trong xã hội.
Chúng ta bất cứ là ai, từ người nông dân đến ông nguyên thủ quốc gia, từ anh hùng đến các vĩ nhân. tất cả đều được sinh ra bỡi những người mẹ rất đỗi bình thường. Và cuộc đời của mỗi chúng ta, ít nhiều đều gắn liền với những người phụ nữ.
         Xin được vinh danh một nửa còn lại của đất nước. Nhân ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 sắp tới, tôi trân trọng gửi tới các bà, các mẹ, các chị, các em, các cháu và toàn thể các bạn những lời chúc tốt đẹp nhất!