Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Hội kén rể



Làng Đường Yên, quê vợ tôi, là một làng quê ngoại thành Hà Nội, nằm cạnh con sông Cà Lồ mang nhiều truyền tích. Một làng nhỏ thuộc xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, xưa kia có tên là Trang Kim Hoa, tên nôm là Kim con. Nằm về phía bắc, cách thành Cổ Loa khoảng 3km, kinh đô của nhà nước Âu Lạc hơn 2000 năm trước, Đường Yên có lịch sử tạo dựng và phát triển lâu đời. Theo dòng thời gian diện mạo của xóm làng ngày một đổi mới song dấu ấn của một thời kỳ lịch sử cổ đại về truyền thuyết đánh giặc ngoại xâm vẫn in đậm trong tâm khảm người dân nơi đây.
Trải qua biến thiên của lịch sử, người Đường Yên vẫn giữ được nét đẹp văn hoá tinh thần cha ông ngàn đời để lại. Đó là lễ hội “Kén rể” một sinh hoạt văn hoá độc đáo nằm trong vùng đậm đặc các lễ hội dân gian như hội “Kéo lửa nấu cơm thi” của làng Lương Quy, hội rước Vua đền Sái của làng Nhội, hội kết chạ Lỗ Khê – Hương Trầm, hội kéo rắn của Xuân Nộn…
Đình và chùa Đường Yên toạ lạc trên đất rộng đầu làng, một quần thể di tích đẹp có đầy đủ điều kiện để tổ chức lễ hội qui mô lớn như lễ hội “Kén rể”. Theo truyền thuyết dân gian và thần phả của đình thì làng Đường Yên thờ bà Lê Hoa một danh tướng của Hai Bà Trưng và là người có công chữa bệnh cho dân làng Đường Yên được dân làng tôn vinh thờ phụng. Chuyện kể rằng khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc Đông Hán (năm 40-43) thì ở làng Đường Yên có bà Lê Hoa (còn gọi là Ả Lự) tuổi 17-18 vẫn chưa lấy chồng, tình nguyện đi theo Hai Bà Trưng. Bà chiêu mộ quân sĩ ở các nơi và về Đường Yên làm lễ khao quân vào ngày 25 tháng chạp. Sau khi Hai Bà Trưng thắng trận lên ngôi vua, hai bà phong tước cho bà Lê Hoa là “Nữ sử anh phong”, “Tuệ tĩnh phu nhân”. Thời Lê Thái Tổ gia phong “Giản uyển cương nghị”, thời Nguyễn Duy Tân tặng phong “Dực bảo trung hưng linh phù”
Khi đất nước thanh bình bà Lê Hoa vinh qui bái tổ về làng Đường Yên thì “kiếm gươm vứt bỏ, lại hiền như xưa”. Vì là nữ tướng nên khi nước nhà không còn khói lửa đao binh thì phải làm tròn bổn phận của người con gái là đi lấy chồng. Và lễ hội “kén rể” ra đời từ đó.
Đình làng Đường Yên được dân làng phụng thờ rất thành kính, trang nghiêm. Nghi lễ quan trọng nhất trong năm là ngày 2/2 âm lịch, dân làng tổ chức mừng ngày sinh của đức thánh bà. Hội làng Đường Yên xưa được tổ chức từ ngày mồng 1 đến 5/2 âm lịch. Ngày mồng 1 mở cửa đình và chuẩn bị mọi nghi lễ cần thiết cho ngày hội. Trước đây còn ngôi đền ở đầu làng là nơi thờ thánh, ngày lễ hội sáng sớm mồng 2/2 dân làng tổ chức rước kiệu bát cống, trên kiệu có “mũ thánh” về đình để dự hội làng. Theo các cụ cao niên thì ở giữa làng có con đường gọi là “đường cái nghênh” từ đền về đình để rước kiệu thánh (lệ làng bắt vạ nếu ai làm hỏng đường hoặc phá đường cái nghênh). Khi kiệu mũ được rước ra đến đình thì các quan viên rước mũ vào hậu cung đình tế lễ và ngự ở đó cho đến 5/2 lại rước kiệu “mũ thánh” về đền thờ. Còn ngày nay lễ hội chỉ tổ chức trong một ngày đó là ngày 2/2 âm lịch.
Xung quanh việc phụng thờ thành hoàng làng, lễ hội của Đường Yên rất đặc sắc, ngoài việc tế lễ mang nghi lễ truyền thống của làng cổ Việt Nam còn có những trò chơi dân gian như “Canh nông, chõng chó, bắt chạch trong chum, thi cày cấy…”, mà ít nơi còn giữ được.
Hội “kén rể” làng Đường Yên được phục hồi sau nhiều năm gián đoạn, bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương đặc biệt là các cụ cao niên và nhân dân thôn Đường Yên, một lễ hội dân gian ở một vùng văn hoá bắt đầu khởi sắc.

Kể từ ngàn xưa ông cha ta đã lấy việc nông phu làm trọng coi hạt thóc là hạt vàng, nhất thì nhì thục cho nên đã mở hội thi cày thi cấy, kiếm cá vá chài, câu ếch bắt trạch là thú chơi dân gian đồng thời cũng là để dậy con cháu ngàn đời siêng năng lao động. Hội thi canh nông bao gồm thi cầy, thi câu ếch, thi chõng chó, thi bắt trạch trong chum. Hai chàng rể chuẩn bị thi từng môn và từng môn ban giám khảo sẽ chấm cho điểm bằng thẻ. Kết thúc mỗi cuộc thi ban giám khảo tuyên bố ai giành phần thắng sau đó cộng điểm thẻ chọn người chiến thắng.Lễ hội kén rể làng Đường Yên là dịp ôn lại truyền thống lịch sử, cố kết cộng đồng giúp cho thế hệ trẻ rèn luyện được sức khoẻ, yêu lao động và từ đây nó khơi nguồn chảy cho đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, cũng chính là gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Lễ hội đã góp phần đáng kể cho kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam. Đường Yên đã và đang đổi mới việc phục hồi lễ hội kén rể sẽ thổi luồng sinh khí mới vào tâm tư tình cảm, làm trỗi dậy tình yêu và trách nhiệm của mỗi người dân đối với quê hương Đường Yên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét